VMC Việt Nam đồng hành cùng Hội thảo phát triển nuôi biển tại Quảng Nam

Trong 2 ngày 10 và 11/11, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình “Các hội thảo về phát triển nuôi biển và Hội nghị toàn thể Hiệp hội nuôi biển Việt Nam năm 2023” tại TP. Hội An, Quảng Nam. Chương trình bao gồm các Hội thảo chuyên đề:

  1. Hội thảo nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
  2. Hội thảo công nghệ và dịch vụ cấu kiện lồng lưới phục vụ nuôi biển
  3. Hội thảo một số vấn đề công nghiệp hóa nghề nuôi biển
  4. Hội nghị toàn thể Hiệp hội nuôi biển Việt Nam năm 2023

Chương trình có sự tham dự của các đại biểu đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, các hội, hiệp hội thủy sản, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp… VMC Việt Nam hân hạnh là nhà tài trợ đồng hành cùng sự kiện lần này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: xu hướng nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là một hướng tất yếu nhằm giảm áp lực đến nguồn lợi thủy sản đang trên đà suy giảm. Tuy nhiên, để thực hiện tốt được việc này, Quảng Nam cũng như các tỉnh bạn rất cần sự hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan Trung ương, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và quý vị đại biểu để ngành nuôi biển tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu các công nghệ, phương thức mới của việc nuôi biển tự nhiên gắn với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; Vai trò của các khu bảo tồn biển trong hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thuỷ sản… Tại đây, các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và tìm những giải pháp phù hợp, đồng bộ về phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững.

Cũng trong hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp về nghiên cứu thử nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi thiên nhiên các loài sinh vật có giá trị như bào ngư, hải sâm, vú nàng, ốc đụn cái…, phục vụ nhu cầu thuỷ sản cao cấp; Cần thiết lập và quản lý hiệu quả các vườn biển do doanh nghiệp điều hành phục vụ du lịch sinh thái biển và khai thác thương mại; Nghiên cứu và triển khai thiết lập các khu duy trì nguồn giống thuỷ sản phục vụ khai thác thuỷ sản hiệu quả và bền vững; Đầu tư xây dựng và triển khai các trang trại nuôi biển tự nhiên, áp dụng quan điểm đa loài, khép kín chuỗi thức ăn…

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững… Hiện nay, hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Việt Nam cần sớm có giải pháp chuyển từ nuôi biển phương thức thủ công sang nuôi công nghiệp: “Các doanh nghiệp nuôi biển thật sự và quy mô lớn thì chỉ có dưới 10 doanh nghiệp. Đây là sự chênh lệch rất lớn, tức là nghề cá của chúng ta, trong đó có nghề nuôi biển mới tập trung khu vực nhỏ của dân, chúng ta cần phải nhanh chóng chuyển từ phương thức thủ công qua công nghiệp. Về phía quản lý nhà nước, vấn đề giao biển lâu dài cho dân, như Nghị định 11 ban hành từ năm 2021 đến nay chưa một địa phương nào thực hiện được”.

Bản tin VMC Việt Nam, ngày 10.11.2023

 
   
Hotline 024 3787 6448
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: