Sáng ngày 29.8 tại Hà Nội, Bộ NN & PTNT, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đồng tổ chức Thảo luận bàn tròn cấp cao về kháng thuốc.
Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo trao đổi với hơn 80 đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, đại sứ quán, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, Hiệp hội về vấn đề kháng kháng sinh – một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với y tế công cộng và sự phát triển toàn cầu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã nhận thức được mối nguy hại lớn từ kháng kháng sinh từ rất sớm, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020. Năm 2020, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2020 – 2025 được thành lập và để thực hiện Chiến lược này, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong Thú y giai đoạn 2024 – 2030. Đồng chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, ngay từ năm 2013, Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. Ông cũng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh và Bộ y tế cam kết hợp tác sâu sắc với ngành nông nghiệp, môi trường để thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 – 2030 một cách hiệu quả”
Về phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, ngành chăn nuôi Thú y tham dự buổi họp có Ts. Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Ts. Nguyễn Thu Thủy - Cục phó Cục Thú y, Ts. Phạm Kim Đăng - Cục phó Cục chăn nuôi….
Hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và FHI 360 và quỹ Fleming
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam và khẳng định, đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam, nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Đại diện tổ chức FAO cam kết phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nhóm Bốn bên (bao gồm WHO, Tổ chức Thú y Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) hỗ trợ phát triển một tuyên bố chính trị phù hợp với tương lai, tăng tốc các nỗ lực ứng phó với kháng thuốc trong tất cả các lĩnh vực và ở mọi cấp độ, nhằm bảo vệ hiệu quả của kháng sinh và đảm bảo việc tiếp cận bền vững, công bằng đối với sức khỏe con người, động vật, thực vật.
Đồng chủ trì sự kiện ông Lain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực về vấn đề kháng thuốc, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phát triển Kế hoạch Hành động quốc gia phòng, chống kháng thuốc vào năm 2013.
Tại Hội nghị, Ts. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cùng các đại biểu là các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế (FAO, Fhi360, Sirad, USAID…), các đại sứ quán Anh, Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Pháp… đã trao đổi, đóng góp ý kiến về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong các lĩnh vực y tế và nôngnghiệp trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số giải pháp và hành động nhằm kiểm soát hiệu quả tình trạng kháng kháng sinh trong giai đoạn tiếp theo, trong đó nhắc đến sự tham gia quan trọng của các Trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh, cũng như vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân... Công ty VMC Việt Nam được mời tham dự buổi Thảo luận và đã có cơ hội tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến thảo luận từ các chuyên gia, nhà khoa học… cũng như các ý tưởng để việc góp phần tham gia vào việc chống lại kháng thuốc trong lĩnh vực Thú y và thuỷ sản.
Bản tin VMC Việt Nam, ngày 30.8.2024