Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang chuyển mình theo mô hình nuôi biển quy mô lớn, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, việc thiếu sự kết nối giữa các mắt xích từ con giống, thức ăn, thuốc thú y đến chế biến và tiêu thụ vẫn là một thách thức lớn. Nhằm tháo gỡ nút thắt này, ngày 06/03/2025, tại Vân Đồn, Quảng Ninh, đã diễn ra “Hội thảo chuyên đề nuôi cá biển và Sự kiện ra mắt chuỗi hợp tác nuôi biển”.
Lần đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất cho lĩnh vực nuôi cá biển tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị đồng bộ cho ngành nuôi cá biển tại địa phương.
Đại diện các thành viên trong chuỗi liên kết
Chuỗi liên kết gồm bảy thành viên, đại diện cho các lĩnh vực quan trọng trong ngành nuôi cá biển:
Chi hội Nuôi biển Vân Đồn (Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam): Đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người nuôi, cung cấp thông tin chính sách và định hướng phát triển ngành.
Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nghiên cứu bệnh học, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật.
Công ty VMC Việt Nam: Chuyên cung cấp thuốc phòng và trị bệnh tôm cá, cũng như hỗ trợ kỹ thuật xét nghiệm – chẩn đoán bệnh và xây dựng kháng sinh đồ nhằm sử dụng thuốc kháng sinh có kiểm soát.
Công ty TNHH Siam Brother Vietnam: Cung cấp vật tư nuôi biển như lưới, phao, dây thừng HDPE.
Công ty CP Thủy sản Phương Anh: Cung cấp giống, tiêu thụ và chế biến cá thành phẩm.
Công ty TNHH Archer Daniels Midland Vietnam (ADM): Cung cấp thức ăn cá biển và hỗ trợ dịch vụ dinh dưỡng.
Công ty TNHH Thủy – Hải sản Thanh Thủy: Đại diện của chuỗi, trực tiếp cung ứng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu của người nuôi trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hình thành và xây dựng chuỗi liên kết.
Kỳ vọng và thách thức của chuỗi liên kết
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nhấn mạnh “Sự ra mắt của chuỗi liên kết sẽ là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nuôi biển theo hướng bền vững, tối ưu hóa hiệu quả kinh tế cho người nuôi.”
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, cùng với chính sách hỗ trợ đồng bộ từ phía cơ quan quản lý.
Việc thành lập chuỗi liên kết ngành nuôi biển tại Quảng Ninh là một bước khởi đầu quan trọng, mở ra triển vọng phát triển lâu dài và bền vững cho ngành nuôi biển Việt Nam.
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi Biển Vân Đồn, chia sẻ mong muốn được tiếp nhận thêm kiến thức từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bà nhấn mạnh rằng việc tham gia chuỗi liên kết giúp người dân tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng từ những doanh nghiệp uy tín có trong chuỗi.
Cũng tại hội nghị, PGS. TS Trương Đình Hoài, đại diện nhóm nghiên cứu bệnh học thủy sản, khoa Thủy Sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng việc tham gia chuỗi liên kết có thể cung cấp cho các thành viên cập nhật những kiến thức mới và ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn nuôi trồng, giúp giảm thiểu khó khăn trong sản xuất.
PGS. TS Trương Đình Hoài – Phó Trưởng khoa Thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Đại diện Công ty VMC Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc công ty, cam kết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người nuôi. Qua đó, Ông bày tỏ mong muốn cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp bạn để cùng nhau hỗ trợ phát triển ngành nuôi biển theo xu hướng an toàn, bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty VMC Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, Bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy – Hải sản Thanh Thủy khẩn xướng việc hợp tác chuỗi nuôi trồng biển cùng với các công ty. Bà Thanh mong muốn cùng với các công ty góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc giai đoạn mới, nuôi biển mới.
Hội thảo có sự góp mặt của các cấp chính quyền, các Sở, Ban, Ngành, và chính quyền địa phương, cùng với các công ty, Hợp tác xã. Với mong muốn, được sự đồng hành, chỉ đạo và chung tay để hướng tới một quy trình nuôi mới và phát triển ngành nuôi biển theo đúng với thông điệp “Phát triển ngành nuôi biển theo hướng an toàn, bền vững và thịnh vượng” mà chuỗi liên kết hướng tới. Bà Thanh cho biết.
Bà Đặng Thị Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Thủy – Hải sản Thanh Thủy chia sẻ tại Hội thảo
Tại hội thảo, ông Ngô Tất Thắng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh – đã gửi lời chúc mừng đến các thành viên trong chuỗi liên kết. Ông đánh giá cao sáng kiến này và nhấn mạnh rằng sự hợp tác của bảy đơn vị sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về một ngành nuôi biển công nghiệp hiện đại.
Ông Ngô Tất Thắng - Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo
Khẳng định bước ngoặt cho ngànhnuôi cá biển
Sự kiện ra mắt chuỗi liên kết nuôi cá biển không chỉ là diễn đàn giao lưu, chia sẻ kiến thức mà còn đánh dấu bước đột phá quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, mô hình chuỗi sản xuất mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy kinh tế biển xanh, tối ưu hóa chuỗi giá trị từ nghiên cứu, kỹ thuật đến thương mại và phân phối.
Với tinh thần đổi mới và hợp tác, chương trình đã mở ra một chương mới đầy triển vọng cho ngành cá biển, mang lại lợi ích thiết thực cho cả nền kinh tế địa phương lẫn ngành thủy sản Việt Nam. Hy vọng rằng, với chiến lược hợp tác bền vững và sự đồng lòng của các bên, chuỗi liên kết sẽ trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng tầm ngành nuôi biển Việt Nam trong tương lai.
Bản tin VMC Việt Nam, ngày 07.03.2025