03

Th 05

Bệnh truyền nhiễm trên gia cầm Marek’s Disease (MD)

Bệnh truyền nhiễm trên gia cầm Marek’s Disease (MD)

❖ Tác nhân gây bệnh

Marek’s Disease (MD) là một loại bệnh truyền nhiễm trên gia cầm, thường xuất hiện các khối u thần kinh và nội tạng, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Có ba serotype của MDV, MDV serotype 1 (MDV-1, còn được gọi là Gallid alphaherpesvirus 2, GaHV-2) bao gồm các chủng gây bệnh và các các chủng giảm độc lực được sử dụng để làm vaccine; MDV serotype 2 (MDV-2 hoặc GaHV-3) bao gồm các chủng không gây ung thư cho gà, một số được sử dụng làm vaccine; và herpesvirus gà tây (HVT, Meleagrid alphaherpesvirus1, MeHV-1) cũng được khai thác để phát triển vaccine.

Virus gây bệnh Marek (MDV-1), hay còn gọi là Gallid alphaherpesvirus 2 (GaHV-2), thuộc nhóm Alphaherpesvirus, chi Mardivirus. Nhiễm trùng do MDV-1 gây ra có liên quan đến các tổn thương tăng sinh tế bào lympho ở gà. Bộ gen của MDV-1 là một cấu trúc DNA sợi đôi dài khoảng 180 kb, bao gồm các vùng riêng biệt ngắn và dài (US và UL), được bao quanh bởi các đoạn lặp cuối (TRL và TRS) và các đoạn lặp bên trong (IRL và IRS). Các gen đã được chứng minh trong việc thúc đẩy quá trình sinh bệnh và hình thành khối u bao gồm gen Meq, vIL-8, vTR và pp38.Phân loại bệnh lý cho MDV-1 chỉ định 4 nhóm sau: nhẹ (mMDV), độc lực (vMDV như JM102), độc lực cao (vvMDV như RB-1B, MD5) và độc lực rất cao (vv+MDV).

❖ Con đường lây nhiễm

Con đường lây nhiễm chủ yếu của MDV xảy ra theo chiều ngang, thông qua tiếp xúc trực tiếp từ gà ốm sang gà khoẻ hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, không khí và cơ sở ấp trứng có chứa mầm bệnh. Không có sự truyền dọc từ gà mái sang trứng.

❖ Cơ chế sinh bệnh

Nhiễm trùng MDV thường xảy ra thông qua đường hô hấp, ban đầu gà bị lây nhiễm do tiếp xúc với tế bào bị nhiễm bệnh (có trong nang lông) được bài thải ra ngoài môi trường, virus sau đó xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua đường hô hấp và di chuyển đến các tổ chức lympho, chủ yếu là lách, tuyến ức và túi Fabricius.

Nhiễm trùng MDV có thể được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn tế bào học, giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn biến đổi tế bào T. Sau đó, MDV sao chép ồ ạt trong các tế bào T CD4+ và gây ra sự thay đổi để tạo ra các tế bào T gây khối u lan rộng. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn quyết định sự sống còn vì mức độ nghiêm trọng của bệnh và tỷ lệ tử vong chủ yếu được quyết định bởi khả năng biến đổi gây ung thư của MDV và khả năng lây truyền của chúng.

❖ Triệu chứng lâm sàng

Bệnh có thể được chia thành hai dạng, thể thần kinh và thể nội tạng, với tỷ lệ tử vong lần lượt là 10–25% và trên 70%.

Trong thể thần kinh, các triệu chứng lâm sàng chính bao gồm tê liệt hoàn toàn hoặc một phần cổ, cánh và tứ chi do thâm nhiễm của các tế bào lympho T biến đổi ở các dây thần kinh ngoại vi.

Đối với thể nội tạng thường được đặc trưng bởi tỷ lệ tử vong cao, mào và bàn chân nhợt nhạt, thờ ơ, mù loà, đi lại khó khăn, bại liệt, sã một bên cánh, giảm cân, giảm đẻ trứng và đôi khi tiêu chảy.

Hình 1. Gà mắc bệnh Marek bị bại liệt (Eva Wallner-Pendleton, 2023)

❖ Giải phẫu bệnh học

Các dây thần kinh bị ảnh hưởng thường có độ dày gấp 2, 3 lần bình thường, không có đường vân ngang và lấp lánh bình thường, có thể có màu xám hoặc hơi vàng, đôi khi phù nề. Một số trường hợp xuất hiện các khối u nhỏ ở buồng trứng, thận, tim, gan, phổi và các mô khác. Viêm mống mắt thể mi gây hiện tượng mắt xám,khiến gà không thể điều chỉnh mống mắt để phản ứng với ánh sáng và đồng tử bị méo mó.

Hình 2. Mắt bị bệnh Marek (bên trái) (Eva Wallner-Pendleton, 2023)

Trong MD thể nội tạng, các khối u lớn có thể được quan sát thấy ở tuyến sinh dục, gan, thận, phổi, tim, lá lách và dạ dày tuyến. Đôi khi u lympho còn xuất hiện ở vùng da xung quanh nang lông và ở cơ xương. Những nốt này thường được thâm nhiễm với các tế bào bạch huyết ung thư.

Hình 3. U gan ở bệnh Marek (Eva Wallner-Pendleton, 2023)

❖ Phòng và kiểm soát

MD là bệnh khối u đầu tiên được kiểm soát thành công bằng cách sử dụng vaccine và các chủng MDV-1, MDV-2 và HVT đã được sử dụng làm vaccine để bảo vệ chống lại MD.

Mặc dù các loại vaccine hiện có có thể kiểm soát MD, nhưng MDV vẫn tiếp tục phát triển và cần phát triển các loại vaccine thế hệ tiếp theo.

Thực hành chăn nuôi tốt kết hợp các biện pháp an toàn sinh học cũng rất quan trọng để giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh Marek, đặc biệt là ở gia cầm non.

❖ Phân biệt với Leukosis

Bệnh Marek và Leukosis là hai bệnh sinh khối u ở gia cầm phổ biến nhất, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

ALV (Avian Leukosis Virus) là RNA virus sợi đơn, thuộc giống Alpharetrovirus, chi Retroviridae. Phân loại chủng ALV lây nhiễm cho gà bao gồm sáu phân nhóm (A, B, C, D, E và J), trong đó ALV-E là virus nội sinh, các ALV khác là virus ngoại sinh làm biến đổi tế bào lympho B, dẫn đến u lympho tế bào B. Các khối u thường là dạng nốt, và thâm nhiễm bao gồm các thâm nhiễm tân sinh đồng nhất của nguyên bào lympho.

Đặc điểm

Bệnh Marek

Bệnh Leukosis

Lứa tuổi mắc bệnh

Bất kỳ dộ tuổi nào, thường từ 6 tuần tuổi trở lên

Từ 16 tuần tuổi trở lên

Dấu hiệu lâm sàng

Gà thường bị liệt chân, sã cánh

Không đặc trưng

Bệnh tích

Liên quan đến thần kinh

Dây thần kinh ngoại vi sưng to

Không có

 

Túi Fabricius

Teo nhỏ hoặc sưng to

Có các u cục

 

U ở dạ dày tuyến, da, cơ, túi mật, hiện tượng “mắt xám”

Có thể có

Không có

 

Hình thái khối u

Khối u có viền chân rõ ràng

Khối u không có viên chân rõ ràng

Tế bào học của khối u

Các tế bào lympho đa hình gồm: nguyên bào lympho, tế bào lympho lớn, trung bình, nhỏ và tế bào plasma.

Các nguyên bào lympho đồng đều về kích thước, màu sắc

Tế bào bạch huyết tân sinh

Tế bào T

Tế bào B

❖ Phương pháp chẩn đoán MD trong phòng thí nghiệm

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã khuyến nghị các phương pháp khác nhau để chẩn đoán MD, bao gồm các kỹ thuật gián tiếp như ELISA, AGID và IFI. Phương pháp chẩn đoán trực tiếp như mô bệnh học, hóa mô, PCR, LAMP, phân lập virus và kết tủa miễn dịch.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

* Trung tâm Xét nghiệm, Chẩn đoán bệnh – VMC Laboratory, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại VMC Việt Nam

* Địa chỉ: Điện Biên, Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

* Hotline: 0362 866 568

* Email: vmcvietnamlab@gmail.com

* Trưởng phòng: Ms. Hiến: 0979 590 180

Tài liệu tham khảo

1. Eva Wallner-Pendleton (2023). Truy cập tại: https://extension.psu.edu/mareks-disease-in-chickens

2. Liao Y., Reddy S. M., Khan O. A., Sun A. & Lupiani B. (2021). A Novel Effective and Safe Vaccine for Prevention of Marek’s Disease Caused by Infection with a Very Virulent Plus (vv+) Marek’s Disease Virus. Vaccines, 9(2), 159.

3. Song B., Zeb J., Hussain S., Aziz M. U., Circella E., Casalino G., … & Sparagano O. (2022). A review on the Marek’s disease outbreak and its virulence-related meq genovariation in Asia between 2011 and 2021. Animals, 12(5), 540.

4. World Organisation for Animal Health (2017). Chapter 3.3.13 Marek Disease.

   
Hotline 024 3787 6448
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: