22

Th 05

Bệnh do Reovirus trên vịt – Novel Duck Reovirus (NDRV)

Bệnh do Reovirus trên vịt – Novel Duck Reovirus (NDRV)

✨Tác nhân gây bệnh

Duck Reovirus (DRV), thành viên thuộc chi Orthoreovirus, họ Reoviridae, là một mầm bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi vịt. DRV có thể được phân thành kiểu gen I (Classical Duck Reovirus, CDRV) và kiểu gen II (Novel Duck Reovirus, NDRV). Đến nay, CDRV chỉ được xác định lây nhiễm cho vịt Muscovy, ngỗng, được ghi nhận lần đầu tiên ở Nam Phi năm 1950 và được phân lập ở Pháp năm 1972. Trong khi đó, NDRV có thể lây nhiễm cho hầu hết các loài thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng,…). Bệnh lần đầu tiên được xác định ở vịt Bắc Kinh vào năm 2011 và trở thành dịch bệnh nguy hiểm cho sức khỏe thủy cầm trên toàn thế giới. So với CDRV, NDRV có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn và phạm vi vật chủ bị nhiễm rộng hơn. Trong những năm gần đây, nhiều đợt bùng phát NDRV đã xuất hiện ở Việt Nam và là mối đe doạ lớn đối với ngành chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm.

NDRV là một loại RNA virus sợi kép (dsRNA), không có vỏ bọc. Dựa trên khả năng di chuyển trên gel điện di, bộ gen có thể được phân loại thành ba nhóm: lớn (L), trung bình (M) và nhỏ (S). Có ba đoạn lớn, L1, L2 và L3, mã hóa ba loại protein, λA, λB và λC tương ứng. Có ba đoạn trung bình, M1, M2 và M3, tương ứng mã hóa μA, μB và μNS. Cuối cùng, có bốn đoạn nhỏ, S1, S2, S3 và S4, mã hóa sáu protein, σA, σB, σC, σNS, P10 và P18. Trong số các đoạn này, S1 đóng vai trò quan trọng trong quá trình dung hợp, xâm nhập và gây bệnh của virus.

✨Con đường lây nhiễm

Bệnh có thể lây truyền theo chiều ngang qua tiếp xúc trực tiếp với những con vịt bị nhiễm NDRV, gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hoá. Những con vịt khoẻ mạnh có thể bị nhiễm bệnh thông qua nước, thức ăn hay các vật thể bị ô nhiễm.

Ngoài ra, NDRV còn có khả năng truyền dọc sang vịt con.

Bệnh dễ phát sinh trong các điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, vệ sinh kém, mật độ nuôi dày đặc.

Hình 1. Tổn thương phôi vịt do nhiễm NDRV (Yan H. et al., 2021)

(A): Phôi vịt cấy PBS làm đối chứng (B): Phôi vịt nhiễm NDRV cho thấy xuất huyết và còi cọc

Lách và gan là cơ quan đích của sự lây nhiễm NDRV, đây là hai cơ quan chính của vịt con để tiêu hoá và đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, cơ chế phân tử cho sự lây nhiễm của NDRV vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Dấu hiệu lâm sàng

NDRV gây ra tỷ lệ mắc bệnh cao ở vịt con và những con vịt con đã khỏi bệnh thường còi cọc đáng kể trong quá trình tăng trưởng và phát triển của vịt. Tuổi khởi phát bệnh thường là 5–25 ngày tuổi, đặc biệt là 7–14 ngày tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là 5–35% và tỷ lệ tử vong là 2–20% (Yu K. et al., 2021). Nhìn chung, tuổi khởi phát của vịt càng nhỏ thì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong càng cao.

NDRV chủ yếu gây chết vịt con. Không phát hiện triệu chứng lâm sàng nào được quan sát ở vịt trưởng thành bị nhiễm bệnh. Hầu hết vịt con bị bệnh NDRV đều có đặc điểm là tiêu chảy, bài tiết phân loãng màu trắng, lờ đờ, hôn mê, tiết nhiều nước mắt, chán ăn, còi cọc, bại liệt cũng như có khả năng dẫn đến tử vong

.

Hình 2. Triệu chứng lâm sàng của vịt con mắc bệnh (Wang H. et al., 2020)

(A): Vịt con mắc bệnh lờ đờ, chán ăn (B): Bài tiết phân loãng màu trắng (C): Sự khác biệt trọng lượng giữa nhóm vịt con bị nhiễm bệnh và nhóm đối chứng là đáng kể

Giải phẫu bệnh học

Tổn thương chủ yếu nằm ở gan và lá lách.

Gan và lá lách sưng tấy, xuất huyết và có những đốm hoại tử bất thường.

Xuất huyết thận và phá huỷ trầm trọng các tế bào lympho trong túi Fabricius, có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch cơ thể vật nuôi và có xu hướng gây nhiễm trùng hỗn hợp hoặc nhiễm trùng thứ cấp.

Vì vậy, dịch bệnh khó kiểm soát hơn rất nhiều và thường dẫn đến tỷ lệ chết của vịt mắc bệnh cao hơn.

                                                                                  

Hình 3. Bệnh tích vịt nhiễm NDRV  (Wang H. et al., 2020)

(A): Các nang trứng của vịt giống bị teo lại, chảy máu buồng trứng và chảy máu ống dẫn trứng; (B): Chảy máu nang trứng và ống dẫn trứng của vịt bị nhiễm bệnh; (C): Lá lách vịt giống mắc bệnh sưng và hoại tử; (D): Gan vịt bị nhiễm bệnh có màu vàng đất với những đốm xuất huyết trên bề mặt.

Phòng và kiểm soát

Tiêm phòng là biện pháp phòng, chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là vịt giống, không chỉ giúp đàn vịt có được sức đề kháng chống lại NDRV mà còn bảo vệ vịt con thông qua đường kháng thể của mẹ và hạn chế sự lây lan của virus qua đường truyền dọc. Ngoài ra, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp then chốt trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.

Phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm

Các phương pháp phát hiện nhanh chóng là chìa khoá để kiểm soát lây nhiễm NDRV. Hiện nay, các phương pháp phát hiện đối với mầm bệnh NDRV và kháng thể chống lại NDRV bao gồm phân lập virus, RT-PCR, Realtime PCR, RT-LAMP, xét nghiệm trung hòa virus (VNT), ELISA. Mẫu bệnh phẩm ưu tiên cho xét nghiệm kiểm tra sự có mặt của NDRV bao gồm: gan, lách.

VMC Laboratory cung cấp các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán bệnh trên thú y, thủy sản, đặc biệt là NDRV bằng phương pháp Realtime PCR cho kết quả nhanh chóng, chính xác. VMC LAB hứa hẹn là điểm đến đáng tin cậy, mang đến cho bạn sự hài lòng.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

* Trung tâm Xét nghiệm, Chẩn đoán bệnh – VMC Laboratory, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại VMC Việt Nam

* Địa chỉ: Điện Biên, Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

* Hotline: 0362 866 568

* Email: vmcvietnamlab@gmail.com

* Trưởng phòng: Ms. Hiến 0979 590 180

Tài liệu tham khảo

  1. Yun T., Hua J., Ye W., Chen L., Ni Z., Zhu Y. & Zhang C. (2022). Development and Evaluation of a Monoclonal Antibody-Based Blocking Enzyme-Linked Immunosorbent Assay for the Detection of Antibodies against Novel Duck Reovirus in Waterfowl Species. Microbiology spectrum. 10(6): e0258122.
  2. Wang H., Wang Y., Gao B., Zhang S., Diao Y. & Tang Y. (2020). Evidence of vertical transmission of novel duck orthoreovirus in ducks. Veterinary Microbiology. 251: 108861.
  3. Yan H., Xu G., Zhu Y., Xie Z., Zhang R. & Jiang S. (2021). Isolation and characterization of a naturally attenuated novel duck reovirus strain as a live vaccine candidate. Veterinary Microbiology. 261: 109214.
  4. Yu K., Ti,J., Lu X., Pan L., Liu L., Gao Y., … & Song M. (2021). Novel duck reovirus exhibits pathogenicity to specific pathogen-free chickens by the subcutaneous route. Scientific Reports. 11(1): 11769.
  5. Wang H., Gao B., Liu X., Zhang S., Diao Y. & Tang Y. (2020). Pathogenicity of a variant duck orthoreovirus strain in Cherry Valley Ducklings. Veterinary microbiology. 242:
    
Hotline 024 3787 6448
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: