Bệnh do Mycoplasma Suis gây ra trên lợn

Tác nhân gây bệnh

Mycoplasma suis (tên gọi trước đây là Eperythrozoon suis), tác nhân gây bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở lợn, là mầm bệnh phổ biến trên toàn thế giới và gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành chăn nuôi lợn.

Mycoplasma suis là vi khuẩn không có thành tế bào, thuộc lớp Mollicutes, nhóm vi khuẩn đường máu, có dạng hình cầu hoặc oval, kích thước khoảng 0,8μm – 2,5μm. M. suis sống trên bề mặt tế bào hồng cầu và chỉ phát triển trong cơ thể heo sống, chưa thể nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo.

Hình 1. Ảnh chụp vi thể các mẫu máu từ lợn nhiễm Mycoplasma suis (Nguồn:Yuan & cs., 2009)

Trong hình A, M. suis (mũi tên) được gắn vào bề mặt hồng cầu trong mẫu máu từ lợn bị nhiễm bệnh. Trong hình B, hồng cầu (mũi tên nét đứt) bao quanh tế bào lympho (mũi tên liền) trong mẫu máu từ một con lợn không bị nhiễm bệnh. Trong hình C, M. suis (mũi tên) hiện rõ trên bề mặt hồng cầu trong máu của lợn bị nhiễm bệnh. Trong hình D, không có sự xuất hiện M. suis trong máu của lợn không bị nhiễm bệnh.

Con đường, cơ chế lây nhiễm

Người ta đã chứng minh rằng M. suis có thể lây nhiễm qua đường máu. Ngoài ra, heo có thể bị lây nhiễm M. suis thông qua các thủ thuật, kỹ thuật chăn nuôi (tiêm chủng, cố định) hoặc dụng cụ thú y, hay vết thương do con vật cắn nhau. Heo bệnh do M. suis hồi phục sau điều trị hoặc nhiễm M. suis thể nhẹ có thể chuyển sang tình trạng mang trùng. Nhiễm trùng bẩm sinh đã được báo cáo ở heo con sơ sinh (lây truyền dọc qua nhau thai).

Vi khuẩn bám lên bề mặt hồng cầu, gây tổn thương, làm biến dạng, hư hại, sụt giảm số lượng cũng như chức năng của hồng cầu, gây ra bệnh thiếu máu tán huyết cấp tính hoặc nhiễm trùng mãn tính ở nhiều loài động vật có vú, đặc biệt là lợn.

Hình 2. Sơ đồ biểu diễn cơ chế gây bệnh của M. suis (Nguồn: Hoelzle & cs., 2014)

Dấu hiệu lâm sàng

* Thể cấp tính

Heo nhiễm M. suis thể cấp sẽ có biểu hiện vàng da, xanh xao, gầy yếu, độ đồng đều thấp, phát triển kém, vành tai có thể có màu tím bầm, sưng phù mí mắt. Ở heo con sơ sinh đến 5 ngày tuổi, có thể xuất hiện dấu hiệu yếu chân, heo con run rẩy, đi không vững, co giật do hạ đường huyết. Heo choai, heo thịt có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, có thể có hạ đường huyết, co giật, thậm chí hôn mê và chết. Heo nái nhiễm M. suis ngoài những dấu hiệu trên còn kèm theo sốt cao (40 – 42oC), nhịp thở tăng, giảm ăn, thiếu máu, da vàng, mất sữa, chậm động dục, có thể sẩy thai hoặc đẻ non, giảm tỉ lệ phối đạt, rối loạn chức năng sinh sản.

* Thể mãn tính

Heo mắc bệnh M. suis thể mãn có thể trạng kém, có các biểu hiện như: vàng da, chậm lớn, da khô, lông xù, lượng sữa và chất lượng sữa giảm ở heo nái, suy giảm miễn dịch khiến heo dễ mẫn cảm với các bệnh trên đường hô hấp và tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số heo sau khi xuất hiện bệnh ở thể cấp có thể hồi phục, chuyển sang thể mãn hoặc heo nhiễm M. suis thể nhẹ, chuyển sang tình trạng mang trùng, là vật chủ lưu trữ và truyền lây mầm bệnh.

Hình 3. Bệnh vàng da ở lợn cai sữa (Nguồn: CABI, 2019)

Bệnh tích

Các chỉ số máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là số lượng hồng cầu, tiểu cầu. Máu loãng, hồng cầu bị biến dạng hình sao, giảm hoặc mất chức năng sinh hóa.

Da và niêm mạc nhợt nhạt do sự phân hủy các tế bào hồng cầu trong máu, sự tích tụ của các sản phẩm phụ trong gan và sản xuất một chất gọi là bilirubin.

Ở heo cai sữa, heo choai, có thể xuất hiện bệnh tích loét da ở những vùng rìa tai, đuôi, mõm. Mổ khám có thể ghi nhận được các bệnh tích như: vách tim mỏng, tim nhão, lách sưng, gan sậm màu, tràn dịch xoang bụng, ngực, bao tim, hạch sưng.

Hình 4. Động mạch chủ chuyển sang màu vàng (A) và gan, túi mật bị phù nề(B) (Nguồn: Stadler & cs., 2021)

Loại mẫu xét nghiệm

Nghiên cứu của Stadler & cs., 2021 trên 7 con lợn 28 ngày tuổi, âm tính với M. suis qPCR (ID23, 31, 32, 71, 73, 74, 76). Sau 1 tuần, lợn con đã được cắt lách. Lợn được gây nhiễm trùng dưới da (1,5 ml; 2,0 × 107M. suis/mL; chủng K323/13) 1 tuần sau khi cắt lách. Nồng độ M. suis trong máu và mô (tủy xương; não; gan; phổi; hạch bạch huyết; thận) được xác định bằng Realtime PCR.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, M. suis lần đầu tiên được phát hiện trong máu vào ngày 4 dpi (ngày sau lây nhiễm) ở 3 con (ID23, 74, 76). Vào ngày thứ 6, tất cả 7 con lợn đều dương tính với M. suis. Nồng độ vi khuẩn M. suis trong máu dao động trong khoảng 2,2 × 103 M. suis/ml vào ngày 4 dpi (ID23) đến 9,6 × 109 M. suis/ml vào ngày 8 dpi (ID32).

Các con lợn sẽ được lấy các mẫu mô kiểm tra khi có các triệu chứng bệnh: suy yếu, sốt cao trên 410C, thờ ơ, bỏ ăn, có các thay đổi về da được mô tả đối với nhiễm trùng M. suis như vàng da và xuất huyết và tím tái ở đầu tai.

M. suis được tìm thấy trong tất cả các mẫu mô được nghiên cứu với nồng độ vi khuẩn cao nhất ở thận (từ 1,76 × 1010 M. suis/g (ID 32) - 5,98 × 1011 M. suis/g (ID 31)) và nồng độ vi khuẩn thấp nhất ở gan (từ 1,52 × 104M. suis/g (ID 74) - 2,32 × 106 M. suis /g (ID 73)). (Bảng 1)

Bảng 1. Nồng độ M. suis trong máu và trong các cơ quan tại thời điểm mổ khám

Phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm

Nhiễm trùng M. suis có thể được chẩn đoán bằng nhuộm Giemsa tiêu bản máu hay phương pháp phát hiện kháng thể (ELISA), phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm sắc kỹ miễn dịch, PCR, real time PCR, …).

Nghiên cứu của Normand và cs năm 2020 nhằm so sánh việc sử dụng xét nghiệm máu nhuộm Giemsa và qPCR để chẩn đoán M. suis. Kết quả cho thấy, phương pháp nhuộm Giemsa có độ nhạy thấp hơn, chỉ có 33 trong số 102 mẫu dương tính với qPCR được xác nhận bằng Giemsa. Mặc dù chi phí cao hơn, nhưng hiện nay, Realtime PCR được xem là công cụ chẩn đoán hiệu quả nhất cho M. suis.

Bản tin VMC Laboratory, 27/05/2024

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

  • Trung tâm Xét nghiệm, Chẩn đoán bệnh – VMC Laboratory, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại VMC Việt Nam
  • Địa chỉ: Điện Biên, Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
  • Hotline: 0362 866 568
  • Email: vmcvietnamlab@gmail.com

Tài liệu tham khảo

  1. Brissonnier, M., Normand, V., Lebret, A., Moalic, P. Y., Guyomard, A. S., Bachy, V., ... & Boulbria, G. (2020). Frequency of infection with Mycoplasma suis in gestating sows using qPCR on ten commercial French herds, and impact of the infection on clinical, haematological and biochemical parameters. Porcine Health Management, 6(1), 13.
  2. Hoelzle, L. E., Zeder, M., Felder, K. M., & Hoelzle, K. (2014). Pathobiology of Mycoplasma suis. The Veterinary Journal, 202(1), 20-25.
  3. Normand, V., Boulbria, G., Brissonnier, M., Bachy, V., Moalic, P. Y., Berton, P., Bouchet, F., & Lebret, A. (2020). Comparison of qPCR and blood smear microscopy for the diagnosis of Mycoplasma suis in a French veterinary practice. Porcine health management, 6, 3.
  4. Thongmeesee, K., Sri-In, C., Kaewthamasorn, M., Thanee, S., Wattanaphansak, S., & Tiawsirisup, S. (2023). Establishment of molecular diagnostics targeting the 23S ribosomal RNA gene for the detection of Mycoplasma suis infection in Thai domestic pigs. Acta Tropica, 238, 106759.
  5. Stadler, J., Willi, S., Ritzmann, M., Eddicks, M., Ade, J., Hoelzle, K., & Hoelzle, L. E. (2019). Detection of Mycoplasma suis in pre-suckling piglets indicates a vertical transmission. BMC veterinary research, 15, 1-7.
  6. Stadler, J., Ade, J., Hermanns, W., Ritzmann, M., Wentzel, S., Hoelzle, K., & Hoelzle, L. E. (2021). Clinical, haematological and pathomorphological findings in Mycoplasma suis infected pigs. BMC Veterinary Research, 17(1), 214.
  7. Yuan, C. L., Liang, A. B., Yao, C. B., Yang, Z. B., Zhu, J. G., Cui, L. I., ... & Hua, X. G. (2009). Prevalence of Mycoplasma suis (Eperythrozoon suis) infection in swine and swine-farm workers in Shanghai, China. American journal of veterinary research, 70(7), 890-894.
 
Hotline 024 3787 6448
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: