Nuôi trồng Thủy sản

Với VMC Việt Nam Bạn Có Được Sự Tin Cậy

VMC Việt Nam hợp tác với khoa thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển sản phẩm cho tôm hùm

Cập nhật: 11 Aug 2023

Sáng 8.8, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức diễn đàn Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm.

Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước.
Tuy nhiên, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất; thiếu các quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi. Việc quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng, bè gặp khó khăn.

Tôm hùm nuôi ở Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90%), nên phụ thuộc chủ yếu thị trường này. Môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp, chưa có thức ăn công nghiệp cho tôm hùm…

Riêng tại Phú Yên, nuôi trồng chiếm khoảng 56% giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh. Trong đó, nghề nuôi tôm hùm trên lồng bè đã tạo sinh kế ổn định và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, thu nhập và đời sống của các gia đình chuyên nuôi tôm hùm được nâng cao. Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm ở Phú Yên khoảng 2.000 tấn với giá trị hơn 1.500 tỉ đồng…

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, bệnh trên tôm hùm xảy ra rải rác trong quá trình nuôi. Trong đó có các bệnh thường xảy ra như bệnh đỏ thân, bệnh sữa, mang đen. Tỷ lệ chết do bệnh trong quá trình nuôi ước tính từ 30 – 35% tổng đàn. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua PGS.TS Trương Đình Hoài, phó chủ nhiệm khoa Thuỷ sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu cùng công ty VMC Việt Nam điều tra tình hình bệnh đỏ thân, bệnh sữa gây ra trên tôm hùm tại một số địa phương ở vịnh Xuân Đài, từ đó, phát triển sản phẩm điều trị dự phòng và đã mang lại kết quả tích cực làm tăng tỷ lệ sống của tôm hùm.

Tại diễn đàn, PGS.Ts Trương Đình Hoài cho biết sẽ cùng VMC Việt Nam tối ưu hoá cách sử dụng và nhân rộng mô hình giúp người nuôi tôm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tham dự diễn đàn đã thảo luận về vấn đề nuôi tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp, công nghệ nuôi tôm hùm trong bể xi măng, nuôi tôm hùm trên biển bằng lồng HDPE, phòng ngừa bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm, các điểm nghẽn về xây dựng chuỗi giá trị tôm hùm và vấn đề thị trường…

Các đại biểu cũng thảo luận kế hoạch xây dựng thương hiệu tôm hùm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm thực hiện thành công kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030.

Liên hệ với chúng tôi

Bạn muốn đặt lịch tham quan hay có nhu cầu hợp tác? Hãy gửi tin nhắn cho chúng tôi!