23

Th 04

Bệnh tiêu chảy cấp trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhea – PED)

Bệnh tiêu chảy cấp trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhea – PED)

  • Tác nhân gây bệnh

Dịch tiêu chảy cấp trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhea – PED) là một bệnh đường ruột truyền nhiễm cấp tính, có tính lây lan cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợn ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là lợn con đang bú mẹ với tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Tại Việt Nam, PED lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2008, đến nay, PED vẫn thường xuyên xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi lợn.

PEDv, tác nhân gây bệnh PED, là một loại virus RNA có vỏ bọc và là thành viên của họ Coronaviridae và chi Alphacoronavirus. Virus này không liên quan đến virus Corona gây ra bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (TGE) ở lợn. Bộ gen PEDv dài khoảng 28 kb với đầu 5′ và đuôi 3′ polyA, chứa ít nhất 7 khung đọc mở (ORF1a, ORF1b và ORF2–6) mã hóa cho 4 protein cấu trúc chính (S, E, M, N) và 3 polyprotein phi cấu trúc cần thiết cho phiên mã và dịch mã (ORF1a, ORF1b và ORF3). Trong đó, protein S của PEDv là glycoprotein vỏ chính và là kháng nguyên bề mặt đóng vai trò quan trọng trong việc tương tác với thụ thể glycoprotein của tế bào chủ trong quá trình lây nhiễm.

Hình 1. Sơ đồ tổ chức bộ gen của PEDv

  • Con đường lây truyền

– PEDv có thể lây truyền theo chiều ngang:

+ Một trong những cách lây truyền chủ yếu nhất là qua đường phân-miệng. Đường phân-mũi là con đường khác của sự lây truyền PEDv từ lợn sang lợn.

+ Việc lây nhiễm PEDv có thể thông qua các vật thể bị ô nhiễm khác bao gồm: xe kéo, con người, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, động vật hoang dã hoặc từ trại này sang trại khác qua các hạt PEDv khí dung.

– Ngoài ra, PEDv cũng có thể lây lan qua tinh dịch và trong huyết tương hay lây truyền cho lợn con qua sữa lợn nái.

PEDv thường lây nhiễm và nhân lên trong đường ruột lợn, bao gồm các tế bào biểu mô nhung mao của ruột non và hỗng tràng, các tế bào biểu mô bề mặt của manh tràng và ruột kết, trong đó hỗng tràng và hồi tràng là những vị trí lây nhiễm chính.

Triệu chứng lâm sàng

PEDv có thể lây nhiễm cho lợn ở mọi lứa tuổi, gây tiêu chảy, nôn mửa kèm theo chán ăn và suy nhược. Tỷ lệ mắc bệnh lên đến 100% ở lợn con, nhưng có thể khác nhau ở lợn nái.

Thời gian ủ bệnh của PEDv là khoảng 2 ngày, dao động từ 1 đến 8 ngày. PEDv có thể được phát hiện trong vòng 48 giờ và có thể kéo dài đến 4 tuần.

Nhiễm PEDv ở lợn con đến 1 tuần tuổi gây tiêu chảy nặng và nôn mửa trong 3–4 ngày, sau đó là mất nước và mất cân bằng điện giải kéo dài dẫn đến tử vong, tỷ lệ chết từ 90 đến 100%. Ở vật nuôi lớn hơn, kể cả lợn cai sữa đến lợn xuất chuồng, các dấu hiệu lâm sàng tự giới hạn trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh. Tuy nhiên, PED có thể ảnh hưởng đến năng suất sinh trưởng của lợn đang tuổi lớn. Lợn nái có thể không bị tiêu chảy và thường biểu hiện các triệu chứng chán ăn. Nếu lợn nái sắp đẻ bị mất con, sau đó chúng có thể bị rối loạn sinh sản bao gồm mất sữa hoặc chậm động dục, do không có lợn con bú trong thời kỳ cho con bú.

  • Tổn thương đại thể và vi thể

            Các tổn thương đại thể chỉ giới hạn ở đường tiêu hóa, được đặc trưng bởi dạ dày căng phồng chứa đầy những cục sữa chưa tiêu và thành ruột mỏng (tá tràng đến đại tràng), trong suốt với sự tích tụ chất lỏng màu vàng. Hạch lâm ba màng treo ruột có thể bị phù nề, xuất huyết nhẹ.

Các dấu hiệu mô học của nhiễm PEDv bao gồm viêm teo ruột lan tỏa nghiêm trọng, phù nề tế bào nhung mao bề mặt, hoại tử tế bào ruột rải rác sau đó bong tróc và co rút lớp đệm nhung mao. Các nhung mao ruột giảm xuống còn 2/3 hoặc hơn so với chiều dài ban đầu của chúng, tùy thuộc vào mức độ bệnh lý và giai đoạnnhiễm trùng hoặc quá trình bệnh.

Ở lợn vỗ béo chết đột ngột, có thể có hoại tử cơ lưng diện rộng.

  • Phòng và kiểm soát

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa, kiểm soát sự xâm nhập và lây lan của PEDv là thực hiện an toàn sinh học chặt chẽ, phát hiện sớm. Ngoài ra, tiêm phòng cho lợn nái là một công cụ cơ bản trong chiến lược kiểm soát và tiêu diệt PEDv.

  • Cẩn trọng chủng PEDv bị đột biến, có khả năng thoát khỏi sự bảo hộ của vaccine

            PEDv được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2008, nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Các nghiên cứu về trình tự gen S của các chủng PEDv được phân lập trong giai đoạn 2012–2016 tại Việt Nam cho thấy các chủng này đã trải qua những thay đổi đáng chú ý, điều này có thể giải thích cho sự giảm hiệu quả của vaccine. Đến nay, PEDv đột biến tiếp tục chiếm ưu thế trong đàn lợn, ngay cả trong đàn đã được tiêm phòng và đã trở thành dịch bệnh lưu hành dai dẳng trên toàn quốc. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng trình tự virus gây bệnh tiêu chảy ở lợn (PEDv) thu được từ mẫu phân và ruột non của lợn bị bệnh tại trang trại tương đồng 97,8% với chủng vaccine. Vì vậy, cần thường xuyên cập nhật thông tin vaccine cũng như xét nghiệm, chấn đoán sớm, nhanh chóng và chính xác PEDv để ngăn ngừa, kiểm soát sự lây lan của bệnh

  • Phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm

PEDv có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp như phân lập virus, ELISA kháng nguyên, LAMP, RT-PCR, giải trình tự, công nghệ CRISPR-Cas.

Các xét nghiệm huyết thanh học đã được sử dụng để phát hiện kháng thể chống lại PEDv như ELISA, xét nghiệm trung hòa virus (VN), xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA), xét nghiệm sắc ký miễn dịch (IC).

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

* Trung tâm Xét nghiệm, Chẩn đoán bệnh – VMC Laboratory, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại VMC Việt Nam

* Địa chỉ: Điện Biên, Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

* Hotline: 0362 866 568

* Email: vmcvietnamlab@gmail.com

* Trưởng phòng: Ms. Hiến: 0979 590 180

Nguồn bài viết

  1. Zhang Y., Chen Y., Zhou J., Wang X., Ma L., Li J., Yang L., Yuan H., Pang D. & Ouyang H. (2022). Porcine Epidemic Diarrhea Virus: An Updated Overview of Virus Epidemiology, Virulence Variation Patterns and Virus-Host Interactions. 14(11): 2434.
  2. Lee C. (2015). Porcine epidemic diarrhea virus: an emerging and re-emerging epizootic swine virus. Virology journal. 12: 1-16.
  3. Olech M. (2022). Current State of Molecular and Serological Methods for Detection of Porcine Epidemic Diarrhea Virus. Pathogens (Basel, Switzerland). 11(10): 1074.
  4. Duong B. T. T., Thao P. T. P., Hoa N. T., Thu H. T., Phuoc M. H., Le T. H. & Van Quyen D. (2022). Molecular analysis reveals a distinct subgenogroup of porcine epidemic diarrhea virus in northern Vietnam in 2018–2019. Archives of Virology. 167(11): 2337-2346.
  5. Gao Q., Zheng Z., Wang H., Yi S., Zhang G. & Gong L. (2021). The new porcine epidemic diarrhea virus outbreak may mean that existing commercial vaccines are not enough to fully protect against the epidemic strains. Frontiers in Veterinary Science. 8: 697839.
    
Hotline 024 3787 6448
Liên hệ qua Zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: